Trước đây do điều kiện kinh tế khó khăn, đa số học sinh khuyết tật, đặc biệt là HS KTTT, không được đi học. Các em chủ yếu được nuôi dưỡng tại gia đình, sự quan tâm, chăm sóc của mỗi gia đình lại rất khác nhau, tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế và hoàn cảnh của họ. Vì vậy việc giáo dục HS KTTT rất khó khăn. Từ năm 1990 đến nay Việt Nam đã triển khai chương trình giáo dục hoà nhập, đã huy động được một số lượng lớn học sinh KTTT ra lớp học hoà nhập cùng các học sinh khác, nơi các em đã được sinh ra và lớn lên. Tháng 11 năm 1995 Thủ Tướng Chính phủ đã ra quyết định chuyển giao toàn bộ công việc chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật sang Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là cơ hội tốt để ngành giáo dục học sinh khuyết tật ra đời. Giáo dục học sinh khuyết tật được khẳng định là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục Quốc dân. Học sinh khuyết tật phải được hưởng quyền chăm sóc và giáo dục, bình đẳng như mọi học sinh bình thường khác.
Bên cạnh việc thực hiện nhiêm vụ chung của ngành giáo dục đặt ra, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái còn đặt ra mục tiêu riêng trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật học hoà nhập, tạo cơ hội cho các em học sinh khuyết tật được hoà nhập với cuộc sống cộng đồng, được thể hiện hết khả năng của mình.
Do bị hạn chế về trí tuệ nên HS KTTT gặp khó khăn trong giao tiếp, ứng xử xã hội và khả năng tự phục vụ bản thân. Nhiều em không thể tự phục vụ bản thân mình mà nhờ người khác giúp đỡ, hỗ trợ. Đa số HS KTTT gặp rất nhiều khó khăn trong việc học các môn học vì khả năng ghi nhớ kém, mau quên. Do đó, HS KTTT phải được học theo chương trình phù hợp với trình độ cũng như đặc điểm tâm sinh lý của các em và phát triển theo chiều hướng khác so với trẻ bình thường.
Mục đích của giáo dục cho HS KTTT là giúp các em chuẩn bị cho cuộc sống hiện tại cũng như cuộc sống tương lai của mình. Tại Trung tâm các em cũng được học các môn học trong chương trình THCS. Tuy nhiên, một số em chỉ có thể học được một phần nào đó về nội dung kiến thức của chương trình Thậm chí có em hoàn toàn không có khả năng học được các kỹ năng đó. Nhưng riêng việc học kỹ năng tự chăm sóc cơ bản lại cần thiết và quan trọng hơn cho bản thân HS KTTT. Vì vậy, chương trình dạy cho HS KTTT phải mang tính thực tế và chủ yếu tập trung vào dạy kỹ năng sống cho các em bao gồm: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng xã hội nhằm hình thành cho các em khả năng sống càng độc lập càng tốt, giúp các em có thể hòa nhập vào cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, việc dạy kỹ năng sống cho HS KTTT là cần thiết và quan trọng, nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức và kỹ năng cơ bản, cần thiết gắn với đời sống hàng ngày của các em. Và đó là một phương tiện hữu ích, là “hành trang” bổ ích để các em bước vào đời và tự tin hòa nhập vào cộng đồng xã hội.
1- Giáo dục kĩ năng sống taị gia đình (Hoặc kĩ năng sống tại phòng ở kí túc xá):
Hình thành cho HS KTTT kĩ năng sống tại gia đình (Hoặc kĩ năng sống tại phòng ở kí túc xá) là một việc làm hết sức cần thiết vì gia đình, bạn bè là chỗ dựa vững chắc nhất cho học sinh. Nếu không hình thành cho học sinh thói quen thực hiện các công việc trong gia đình (hoặc tại phòng ở) và khả năng tự phục vụ, tự chăm sóc bản thân (là những kĩ năng giúp một cá nhân thực hiện được các nhiệm vụ sinh hoạt hàng ngày của bản thân như giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống, mặc quần áo,….) thì các em sẽ mãi mãi là một thành viên lệ thuộc không thể sống một cách độc lập ở mức độ có thể ở trong gia đình (hoặc tại phòng ở kí túc). Tuy nhiên việc hình thành kĩ năng sống tại gia đình (hoặc tại phòng ở kí túc) cho học sinh khuyết tật trí tuệ cũng phải được cha mẹ học sinh (hoặc các em học sinh ở cùng phòng các em) phối hợp hỗ trợ giúp đỡ các em những kĩ năng sống cần thiết trong gia đình (Trong phòng ở kí túc).
Giáo viên có thể vận dụng phương pháp xâu chuỗi xuôi, ngược để hướng dẫn và hỗ trợ học sinhcó kĩ năng làm các công việc: Lau bàn ghế, quét nhà, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân, tự chăm sóc bản thân, thu dọn đồ dùng học tập, sắp mâm bát trong bữa ăn cơm, đếm số lượng bát ăn cơm đúng với số lượng các thành viên trong gia đình (Trong phòng ở),…Giáo viên có thể thực hiện kết hợp trong buổi làm nhiệm vụ quản sinh hoặc thông qua dạy học bộ môn trên lớp, hoặc qua các buổi sinh hoạt tập thể.
* Biện pháp 1: Hướng dẫn học sinh cách thực hiện, làm mẫu cho học sinh bắt chước.
* Biện pháp 2: Cho học sinh thực hiện thao tác, theo dõi và uốn nắn, động viên khích lệ kịp thời khi học sinh đạt được những kết quả nhất định, không nên chê trách hay tức giận khi học sinh chưa thực hiện được thao tác (Có thể hỗ trợ khi học sinh gặp khó khăn trong thực hiện thao tác, nhưng không được làm thay)
* Biện pháp 3: Yêu cầu học sinh thực hiện một công việc cụ thể có sự giám sát chặt chẽ của người khác (Giáo viên giám sát hoặc phân công bạn cùng phòng giám sát cụ thể, có thể hỗ trợ thêm trong việc tính toán đếm – đọc, để các em tự tin hơn khi thực hiện nhiệm vụ);
* Biện pháp 4: Cho học sinh thực hiện thường xuyên để tạo thói quen làm các công việc gia đình (Phòng ở) của học sinh (Phân công lịch trực nhật cụ thể trong ngày, trong tuần).
Khi yêu cầu học sinh thực hiện nhiệm vụ. Giáo viên bắt đầu hướng dẫn bằng việc cho học sinh, lần lượt làm các bước đã học cho tới bước học sinh chưa thực hiện thành thục, giáo viên sẽ bắt đầu hướng dẫn từ bước đó. Khi học sinh đã thuần thục một bước nào đó thông qua luyện tập, giáo viên nên chuyển sang bước tiếp theo (bước mà học sinh chưa thực hiện được) đồng thời để học sinh thực hiện lại các bước trước đó mà em đã thuần thục theo thứ tự. Các bước còn lại sẽ được hoàn thành bởi giáo viên hoặc học sinh thực hiện với sự trợ giúp. Giáo viên hoặc cha mẹ hoặc bạn cùng phòng ở có thể áp dụng phương pháp xâu chuỗi xuôi ngược để hướng dẫn học sinh.
Ví dụ: Hướng dẫn học sinh giặt quần, áo:
Giáo viên phải phân tích hoạt động thành các bước nhỏ, và hướng dẫn học
sinh thực hiện theo từng bước (theo các giai đoạn):
- Chọn quần áo bẩn để giặt;
- Cho quần áo bẩn vào chậu giặt đồ;
- Đổ nước vào chậu cho ướt quần áo giặt;
- Lấy tay vò qua quần áo;
- Bỏ quần áo ra ngoài chậu;
- Đổ nước trong chậu quần áo đi;
- Tiếp tục cho nước vào chậu, cho xà phòng và hòa xà phòng cho tan;
- Ngâm ngập quần áo trong nước xà phòng 1 lúc (10 phút);
- Vò quần áo cho sạch (Chú ý chỗ hay bị bẩn: cổ áo, tay áo, gấu quần,…);
- Xả nước và vò đến khi nào hết bọt xà phòng là được.
Trong quá trình hướng dẫn thực hiện giáo viên yêu cầu học sinh thực hiện luôn, bước nào học sinh còn gặp khó khăn thì giáo viên lưu ý nhắc lại và hỗ trợ.
2 – Giáo dục kĩ năng xã hội trong trường học:
Ở trường, ngoài việc chăm sóc và học văn hoá. Cần chú trọng hình thành cho học sinh một số kĩ năng xã hội. Trong trường hợp học sinh được tiếp xúc với thầy cô, bạn bè và luôn nghe lời thầy cô nên việc hình thành các kĩ năng sẽ thuận lợi hơn ở nhà. Với các quy định đã quen thuộc với HS KTTT, theo kiểu “Cái này đi với cái kia”, chẳng hạn như có tiếng trống tức là giờ ra chơi đã đến, thì kĩ năng này thường luôn ở mức ổn định. Tuy nhiên có điều gì mới lạ, đặc biệt diễn ra trong môi trường mới lạ thì có thể gây nên những phản ứng tiêu cực ở học sinh như từ chối tương tác với mọi người xung quanh, không thực hiện kĩ năng đã có, đã quen thuộc,…Chình vì vậy, trong giờ học và thông qua các hoạt động vui chơi nếu giáo viên biết tận dụng cơ hội thì học sinh sẽ dễ dàng tiếp thu lời khuyên của giáo viên bạn bè.
Ví dụ: Hướng dẫn cho học sinh có kĩ năng hợp tác với nhóm bạn bè hoặc cả lớp học tập và vui chơi. (Có thể thực hiện các biện pháp này thông qua giờ học bộ môn, hoạt động tập thể, lao động vệ sinh,…).
* Biện pháp 1: Cho học sinh tham gia các trò chơi mang tính hợp tác nhóm bạn như trò chơi tiếp sức và dán ảnh thật nhanh, trò chơi đoán số nhanh hoặc trò chơi tiếp sức,…theo dõi xem học sinh có biết hợp tác với các bạn không, nếu học sinh không biết, giáo viên cần hướng dẫn để học sinh tham gia;
*Biện pháp 2: Thường xuyên cho học sinh tham gia các hoạt động nhóm trong học tập, khuyến khích học sinh tham gia thảo luận. Nếu học sinh ngần ngại không muốn chơi, cần động viên tham gia.
* Biện pháp 3: Trong thời gian ra chơi, nhóm bạn rủ nhau cùng chơi và chia sẻ với học sinh trong các trò chơi và hoạt động như: Thể dục, tập đội hình, đá cầu,…
* Biện pháp 4: Tạo ra các hoạt động theo chủ đề “Nhà trường, gia đình và tình bạn” để lôi cuốn học sinh khuyết tật tham gia (Kết hợp với giáo viên chủ nhiệm hoặc GV dạy hoạt động ngoài giờ lên lớp để thực hiện). Nếu học sinh rụt rè, e ngại thì động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời mỗi khi học sinh thực hiện được một việc nào đó.
3- Giáo dục kĩ năng sống trong cộng đồng và ngoài xã hội
Kỹ năng xã hội là một tập hợp các kỹ năng con người sử dụng để tương tác và giao tiếp với người khác, như: chào hỏi, luân phiên trong giao tiếp, duy trì hội thoại, tương tác mắt-mắt, gọi tên,… HS KTTT thường gặp rắc rối, khó khăn trong tìm kiếm sự trợ giúp khi có một vấn đề nào đó xảy ra. Chính vì HS KTTT hạn chế rất nhiều về kĩ năng tìm kiếm sự trợ giúp, tuân thủ, kiểm soát hành vi bản thân và khả năng giải quyết vấn đề, điều này ảnh hưởng tới khả năng thích ứng và khả năng hoà nhập của HS KTTT.
Mục đích cuối cùng của công tác giáo dục học sinh khuyết tật là giúp cho các em học sinh sống hoà nhập được vào cuộc sống cộng đồng. Vì vậy, dạy cho học sinh những kĩ năng sống thích ứng với những điều kiện và hoàn cảnh của môi trường xã hội là hết sức cần thiết. Nếu không quan tâm đến việc dạy cho sinh các kĩ năng này thì học sinh khuyết tật trí tuệ thực sự gặp khó khăn trong cuộc sống tại cộng đồng.
Để dạy các kỹ năng xã hội, cách tốt nhất là nên bắt đầu từ các kỹ năng đơn giản, ví dụ như chào cô giáo khi tới lớp hoặc phân biệt đối tượng để xưng hô trong chào hỏi (Như: Cô, dì, chú, bác, ông, bà,..). Để dạy các kỹ năng xã hội, giáo viên có thể chia nhỏ các kỹ năng thành những bước nhỏ hơn, sử dụng các biện pháp hình thành hành vi phù hợp để dạy. Điều ta quan tâm đối với các vấn đề xã hội đó là cần giáo dục cho HSKT cấp THCS các vấn đề liên quan đến các kĩ năng sống, như: Luyện cho học sinh có kĩ năng gữi gìn nơi công cộng (Không chửi bậy, đánh lôn, gây rối,…); có ý thức bảo vệ môi trường sống; Giáo dục giới tính cho học sinh,…
Ví dụ: Luyện cho học sinh có kĩ năng gữi gìn nơi công cộng (Không chửi bậy, đánh lôn, gây rối,…);
* Biện pháp 1: Giải thích cho học sinh một cách đơn giản, dễ hiểu về sự cần thiết phải gữi gìn trật tự nơi công cộng, không được gào thét, làm ồn, phá rối. Đặc biệt cần nhấn mạnh cho học sinh hiểu được nói tục là điều xấu, gây rối đánh bạn là điều rất xấu.
* Biện pháp 2: Cho học sinh tham gia các hoạt động nơi công cộng như các buổi họp, buổi mít tinh, biểu diễn văn nghệ. Theo dõi các hoạt động của học sinh để kịp thời uốn nắn và động viên học sinh.
* Biện pháp 3: Kể về tấm gương tốt một bạn mà học sinh biết. Bạn đó đã biết gữi trật tự nơi công cộng, không gào thét, gây rối hoặc không nói tục và cố gắng để học sinh biểu lộ cảm nhận của học sinh về hành vi tốt của người bạn đó.
4- Giáo dục kĩ năng giao tiếp
Khả năng giao tiếp ở HS cấp THCS có những hạn chế nhất định. Mỗi nhóm đối tượng HSKT khác nhau có những đặc điểm giao tiếp cơ bản đặc trưng riêng. Với HS KTTT hạn chế về ngôn ngữ nói và viết, khó khăn trong khởi đầu và duy trì quá trình giao tiếp. Ngôn ngữ đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động giao tiếp của con người. Do sự tổn thất thực tế của não bộ dẫn đến các chức năng ngôn ngữ (nói ngọng, nói lắp, nói khó,…). Vốn từ của học sinh KTTT rất nghèo nàn. Đa số các em học sinh chậm nói, chậm hiểu ngôn ngữ nói của người khác. Khi sử dụng ngôn ngữ nói, học sinh thường nói sai về ngữ pháp, nên khi HS nói với người khác thường gặp khó khăn để hiểu được ý muốn diễn đạt của học sinh. Vì vậy, HS KTTT rất hạn chế trong giao tiếp ứng xử;
Để khắc phục tình trạng trên, giáo viên và cha mẹ HS có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển khả năng ngôn ngữ - giao tiếp, giao tiếp ứng xử của học sinh.
Ví dụ: Rèn kĩ năng nói “cảm ơn” và “xin lỗi” trong những trường hợp cần thiết
* Biện pháp 1: Cần giảng cho HS một cách đơn giản về ý nghĩa của từ “cảm ơn”, “xin lỗi”. Dùng phương pháp làm mẫu để học sinh bắt chước và tạo thói quen. Ví dụ, khi đưa cho HS một chiếc kẹo, HS cầm lấy và ta nhắc HS nói lời cảm ơn “Em cảm ơn cô ạ” khi học sinh mắc lỗi như khi làm hỏng đồ dùng học tập của bạn thì phải biết nói lời xin lỗi “mình xin lỗi bạn”.
* Biện pháp 2: Cho học sinh tham gia trò chơi “Tặng quà sinh nhật” HS A đóng vai trò người nhận quà, các bạn cùng lớp đến dự sinh nhật của bạn A và tặng quà. Trong trường hợp này, Bạn A cần biết nói lời cảm ơn các bạn đã đến chúc mừng sinh nhật và tặng quà cho mình.
* Biện pháp 3: Dạy cho học sinh nói lời cảm ơn, xin lỗi tại nơi sinh sống (Khu kí túc). Giáo viên nên phối hợp với một nhóm học sinh lớn tuổi trong khu kí túc, có ý thức trách nhiệm cùng thực hiện việc hình thành cho HS KTTT có thói quen nói lời cảm ơn và xin lỗi, trong sinh hoạt hàng ngày.
* Biện pháp 4: Kể cho học sinh nghe những mẩu chuyện thật ngắn về học sinh biết nói lời cảm ơn và xin lỗi.
5- Giáo dục kĩ năng tham gia các hoạt động giáo dục
Thông qua các hoạt động giáo dục nhằm hình thành và phát triển khả năng hợp tác, khả năng hoà hợp, khả năng giao tiếp ứng xử,…cũng như việc phục hồi các chức năng bị khiếm khuyết của HS KTTT. Việc tuân theo các qui định trong các hoạt động giáo dục sẽ hình thành ở học sinh ý thức nề nếp, tổ chức, kỉ luật. Do vậy, việc hình thành các kĩ năng tham gia hoạt động giáo dục có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển cả về thể chất lẫn tâm hồn của các em.
Ví dụ: Hướng dẫn HS tham gia hoạt động giáo dục theo luật.
* Biện pháp 1: Khi tổ chức một hoạt động giáo dục nào đó phải tuân theo luật phải giải thích cho học sinh thế nào là chơi đúng luật, thế nào là bị phạm luật (GV phải kết hợp nói và thực mẫu cho học sinh quan sát nhận biết làm như thế nào là phạm luật và sẽ bị phạt hoặc bị phê bình và phải làm như thế nào là đúng luật, sẽ được khen)
* Biện pháp 2: Quan sát xem học sinh đã tự động tham gia đúng luật chưa Tổ chức lại các hoạt động giáo dục trước đó mà không giải thích luật, theo dõi xem học sinh đã biết chủ động tham gia theo đúng luật hay không.